Dị ứng thời tiết và cách xử lý

Dị ứng thời tiết thường gặp ở những người có cơ địa nhạy cảm, có thể xuất hiện quanh năm, phổ biến nhất là thời điểm giao mùa. Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện khá nhanh và dồn dập, gây không ít khó chịu và phiền toái cho người bệnh. Vậy dị ứng thời tiết có nguy hiểm không và cách xử lý như thế nào?

Dị ứng thời tiết là gì?

Dị ứng thời tiết là một trong những bệnh dị ứng phổ biến. Bệnh xảy ra khi hệ miễn phản ứng thái quá với các yếu tố của thời tiết như độ ẩm, nhiệt độ, chất dị ứng trong không khí, ánh sáng,… Dị ứng thời tiết thường bùng phát chủ yếu vào giai đoạn chuyển mùa (từ mùa nóng sang mùa lạnh). Sự thay đổi đột ngột của các yếu tố kể trên chính là nguyên nhân trực tiếp kích thích phản ứng dị ứng và kết quả là gây ra hàng loạt các triệu chứng lâm sàng.

Dị ứng thời tiết và cách xử lý

Dị ứng thời tiết có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là những người có cơ địa nhạy cảm. Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều có mức độ nhẹ nhưng ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ, hiệu suất lao động, học tập,… Dị ứng thời tiết có thể tự thuyên giảm nhưng cũng có khả năng tiến triển mãn tính, dai dẳng ngay cả khi điều trị tích cực.

Tùy theo thời gian khởi phát và tiến triển, bệnh được chia thành 2 loại là dị ứng thời tiết cấp và dị ứng thời tiết mãn tính. Cụ thể như sau:

  • Dị ứng thời tiết cấp tính: Đề cập đến tình trạng bệnh khởi phát và thuyên giảm hoàn toàn trong 24 giờ đến 6 tuần. Triệu chứng thường bùng phát mạnh, ồ ạt nhưng giảm nhanh – ngay cả khi không điều trị. Dị ứng thời tiết cấp thường gây ngứa mũi, sổ mũi, nghẹt mũi và nổi mẩn đỏ, mề đay.
  • Dị ứng thời tiết mãn tính: Dị ứng thời tiết mãn tính xảy ra khi triệu chứng kéo dài hơn 6 tuần. Ở giai đoạn mãn tính, triệu chứng của bệnh tiến triển dai dẳng, âm ỉ, ít bùng phát mạnh như trong giai đoạn cấp. Dị ứng thời tiết kéo dài còn có thể phát triển thêm một số vấn đề có cơ chế dị ứng như hen phế quản, mề đay mãn tính, viêm mũi dị ứng quanh năm và viêm da cơ địa.

Các dấu hiệu dị ứng thời tiết thường gặp

  • Phát ban trên da: Đây là dấu hiệu phổ biến nhất, trên da người bệnh xuất hiện nhiều nốt phát ban ở dạng những nốt mẩn đỏ, đặc biệt là vùng tay chân và mặt. Những vết phát ban da do dị ứng này gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy nên người bệnh thường gãi mạnh để cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên việc này lại vô tình gây xước da, khiến vết phát ban lan rộng hơn thành từng đám trên bề mặt da.
  • Viêm mũi: Viêm mũi cũng là biểu hiện thường gặp, gây ra tình trạng sổ mũi, hắt hơi, nhức đầu,…
  • Sưng rộp, tấy đỏ trên da: Những vùng da tiếp xúc trực tiếp với không khí bên ngoài cũng tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên sẽ có triệu chứng da nghiêm trọng hơn. Điển hình là tình trạng da bị sưng lên, nổi mề đay và mẩn đỏ.
  • Chàm bội nhiễm: Theo sau các nốt mẩn đỏ khi bị dị ứng thời tiết là hiện tượng chàm bội nhiễm với những đặc điểm như: chảy dịch vàng, mụn nước li ti, xuất hiện vảy gàu hoặc vảy ở các vùng da như mặt, đầu gối, khuỷu tay,… Chàm bội nhiễm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và thẩm mỹ của da, hơn nữa dị ứng thời tiết lại dễ tái phát nên người bệnh nên chủ động điều trị sớm ngay khi xuất hiện dấu hiệu bệnh.
  • Khó thở, ho, thở khò khè: Triệu chứng hô hấp này cho thấy bệnh nhân đang bị dị ứng thời tiết nghiêm trọng. Tình trạng dị ứng có thể kích hoạt khởi phát một cơn hen phế quản nặng có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Do đó, nếu dị ứng thời tiết gây ra những triệu chứng này, nên đi khám để được hướng dẫn và chỉ định thuốc sơ cứu phòng ngừa dị ứng tái phát.

Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết thường xuất hiện vào các thời điểm giao mùa, giữa những ngày nóng và lạnh khiến cơ thể không kịp làm quen với sự thay đổi môi trường đột ngột. Tùy từng đặc điểm cơ địa mà mỗi người có phản ứng da khác nhau với cùng điều kiện môi trường. Đối với thời tiết nóng thường gặp khi cơ thể tiết quá nhiều mồ hôi, khiến da luôn ẩm ướt và trở nên viêm nhiễm, dị ứng nghiêm trọng. Còn thời tiết lạnh phổ biến hơn, khiến da bị khô và dị ứng.

Tùy vào mức độ dị ứng mà triệu chứng cũng như sự nguy hiểm đến sức khỏe là khác nhau. Dị ứng thời tiết cấp tính thường chỉ kéo dài từ 24 giờ – 1 tuần, một vài trường hợp kéo dài hơn nhưng không quá 6 tuần. Triệu chứng của dị ứng thời tiết cấp tính chủ yếu là ngứa, nổi mề đay trên da gây khó chịu.

Ở những người cơ địa rất nhạy cảm hoặc dị ứng thời tiết cấp tính không được điều trị tốt sẽ chuyển sang giai đoạn dị ứng thời tiết mạn tính. Biểu hiện của người bệnh cũng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn bao gồm: tụt huyết áp, phù nề nặng ở da và phế quản, sốc phản vệ, nhiễm trùng da, khó thở,… có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, không nên chủ quan kể cả khi triệu chứng dị ứng thời tiết bạn gặp phải không quá nghiêm trọng. Nên điều trị càng sớm càng tốt tránh triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe.

Nguyên nhân gây dị ứng thời tiết

Yếu tố trực tiếp kích thích dị ứng thời tiết bùng phát là do sự thay đổi của nhiệt độ, độ ẩm, không khí, ánh nắng,… Tuy nhiên, chỉ có một vài cá thể phản ứng quá mức với những yếu tố này. Ở những người khỏe mạnh, hệ miễn dịch gần như không có phản ứng với sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Vì vậy, dị ứng thời tiết chỉ xảy ra khi có những yếu tố thuận lợi sau:

  • Cơ địa dị ứng: Cơ địa dị ứng là yếu tố quan trọng trong cơ chế sinh bệnh của các vấn đề liên quan đến dị ứng như mề đay, dị ứng thời tiết, viêm da cơ địa,… Yếu tố này khiến cho hệ miễn dịch trở nên “nhạy cảm” với các tác động từ bên trong và bên ngoài cơ thể. Do đó, người có cơ địa nhạy cảm thường dễ dị ứng hơn so với người bình thường.
  • Yếu tố di truyền: Các bệnh lý có cơ chế dị ứng đều liên quan đến yếu tố di truyền. Thống kê cho thấy, nguy cơ mắc bệnh tăng lên đáng kể nếu cả cha và mẹ đều có tiền sử dị ứng thời tiết, mề đay, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng,…
  • Hệ miễn dịch suy giảm: Hệ miễn dịch suy giảm là điều kiện thuận lợi để bùng phát dị ứng thời tiết, mề đay mẩn ngứa và các bệnh có cơ chế dị ứng khác. Do đó khi sức đề kháng suy giảm, các triệu chứng dị ứng thời tiết có thể bùng phát mạnh và tiến triển dai dẳng hơn.
  • Điều kiện thời tiết: Dị ứng thời tiết chỉ xảy ra vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Đây là những giai đoạn độ ẩm, nhiệt độ và chất dị ứng trong không khí tăng cao. Vì vậy, hệ miễn dịch không kịp thời “thích nghi” và dễ bùng phát phản ứng dị ứng.

Ngoài ra, nguy cơ bị dị ứng thời tiết còn có thể tăng lên khi có những yếu tố sau:

  • Trẻ em
  • Có sẵn các bệnh lý dị ứng (hen suyễn, viêm mũi dị ứng,…)
  • Rối loạn nội tiết
  • Căng thẳng thần kinh
  • Dùng thuốc và thức ăn dễ gây dị ứng vào giai đoạn chuyển mùa

Nên làm gì khi bị dị ứng thời tiết

Bệnh nhân bị dị ứng thời tiết nên đi khám để được bác sĩ kê thuốc điều trị và thuốc dự phòng dị ứng. Các loại thuốc điều trị dị ứng thường dùng bao gồm: Corticoid, thuốc kháng Histamin, Prednisolone, Doxepin, thuốc kháng thụ thể H2,… Bên cạnh sử dụng thuốc thì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để cải thiện hệ miễn dịch cũng là cách để điều trị và phòng ngừa dị ứng thời tiết chủ động, hiệu quả. Người bệnh cơ địa nhạy cảm hay bị dị ứng thời tiết nên lưu ý các vấn đề sau:

  • Không hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá thụ động.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, thức uống có cồn,…
  • Uống nhiều nước ép trái cây, ăn nhiều rau xanh để tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, chống lại các tác nhân gây dị ứng.
  • Giữ ấm cơ thể mỗi khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là chuyển từ thu sang đông hoặc các đợt gió lạnh về, nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột là một trong những nguyên nhân dẫn đến dị ứng thời tiết.
  • Uống nhiều nước, bao gồm cả nước lọc, nước ép trái cây để điều hòa nhiệt độ cơ thể, tăng cường sức khỏe cho làn da – nơi tiếp xúc trực tiếp với tác nhân gây dị ứng.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, vừa đem đến cho bạn vóc dáng khỏe mạnh vừa tăng cường sức đề kháng.
  • Khi trên da xuất hiện các dấu hiệu dị ứng thời tiết như: sẩn ngứa, nổi mề đay, bạn nên sớm đi khám bác sĩ, tuyệt đối tránh việc gãy, ma sát mạnh trên da hoặc dùng thuốc dân gian không có chứng minh khoa học về tác dụng điều trị bệnh.
  • Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không thì câu trả lời là hầu hết trường hợp dị ứng thời tiết không quá nguy hiểm đến tính mạng song nếu chủ quan, các triệu chứng bệnh như khó thở, hen phế quản, sốc,… có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, không được chủ quan với từng dấu hiệu bệnh nhỏ nhất để xử lý kịp thời, tránh hậu quả không mong muốn xảy ra.
Rate this post